Ngày 19/12/2024, tuyến cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable) chính thức được đưa vào khai thác, trở thành tuyến cáp quang biển có dung lượng lớn nhất tại Việt Nam với thiết kế lên đến 20 Tbps – gấp đôi tuyến lớn nhất hiện tại là AAE-1. ADC có tổng chiều dài gần 10.000 km, kết nối trực tiếp các trung tâm dữ liệu hàng đầu châu Á tại Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản.
ADC sử dụng 8 cặp sợi quang (8FP), áp dụng công nghệ ghép bước sóng mật độ cao, đạt tổng dung lượng thiết kế ban đầu trên 160 Tbps. Tuyến cáp kết nối 7 trạm cập bờ tại các quốc gia như Nhật Bản, Hồng Kông, Trung Quốc, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam (trạm Quy Nhơn, Bình Định).
Tại Việt Nam, khách hàng có thể sử dụng dịch vụ từ đầu năm 2025. Theo ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Viettel Solutions, việc ADC đi vào hoạt động không chỉ tăng khả năng dự phòng và độ an toàn cho hạ tầng Internet mà còn mở ra cơ hội phát triển công nghệ và giao thương quốc tế. “Hệ thống cáp ADC sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ viễn thông, đồng thời mở rộng kết nối giữa Việt Nam và thế giới,” ông Kiên chia sẻ.
Viettel là nhà đầu tư duy nhất tại Việt Nam tham gia dự án, sở hữu toàn bộ nhánh cáp biển và trạm cập bờ tại Quy Nhơn, cùng một cặp sợi quang có dung lượng thiết kế tối thiểu 20 Tbps. Đây là tuyến cáp thứ 5 của Viettel, góp phần tăng cường khả năng kết nối quốc tế, đáp ứng nhu cầu tốc độ cao cho các công nghệ như 5G, AI, IoT, AR/VR.
Theo chiến lược hạ tầng số, đến năm 2025, Việt Nam sẽ khai thác ít nhất hai tuyến cáp quang biển mới, bao gồm ADC và SJC-2. Đến năm 2030, kế hoạch là mở rộng lên tối thiểu 6 tuyến cáp mới, nâng tổng dung lượng thiết kế lên 350 Tbps, đáp ứng nhu cầu kết nối toàn cầu ngày càng cao.
Nguồn: vnexpress.net